Search

Lưu Thủy Kim Tiền - Xuân Phong Long Hổ - Ban nhạc Trúc Xanh

  • Share this:

Mấy nay bận rộn, mãi mới gõ được vài dòng (câu lừa quen thuộc) về vụ phim và chương trình của Trung Quốc sử dụng nhã nhạc cung đình Huế.
(Ai muốn đọc bình luận của dân mạng Trung Quốc thì kéo luôn xuống đoạn dưới, xong kéo lên đọc phần tôi viết cũng được)

Tôi nói luôn, phim “Thịnh Đường huyễn dạ” và chương trình “Sáng tạo doanh” của Trung Quốc có sử dụng chung một đoạn nhạc của Lưu Thuỷ Kim Tiền. Vậy là chúng ta biết họ dùng trái phép bản gì, có nguồn như nào. Có bằng chứng cụ thể rồi thì cứ mạnh dạn mang đi mà nói, không phải xoắn.

Tuy nhiên, tôi thấy một số bạn chỉ trích phía Trung Quốc nhưng lại sai ngay từ điều cơ bản nhất. Nên hiểu rõ một sự thật: Không chỉ Việt Nam mới có “nhã nhạc” (雅乐).

Không nên nói “nhã nhạc” (雅乐) là của Việt Nam, nhã nhạc cung đình Huế/nhã nhạc Việt Nam/nhã nhạc cung đình Việt Nam mới đúng. Nhã nhạc từ Trung Quốc lan toả sang các nước 3 nước đồng văn khác, sau đó kết hợp với văn hoá bản địa và dần phát triển thêm thành thứ âm nhạc riêng. Nhìn vào thời gian thì nhã nhạc Việt Nam xuất hiện sau cùng. Người nước ngoài (sử dụng tiếng Anh) ngoài cụm X + court music, có thể tìm nhã nhạc Việt Nam với cái tên “Nha nhac”, nhã nhạc Trung Quốc thì với cái tên “Yayue” (雅乐), nhã nhạc Nhật Bản là “Gagaku” (雅楽), nhã nhạc Triều Tiên là “Aak”(아악/雅樂).

Chính người Trung Quốc hiện nay vẫn đang tranh cãi về câu hỏi: Nhã nhạc Trung Quốc rốt cuộc đã thất truyền hay chưa? Nhiều nguồn tài liệu của Trung Quốc viết nhã nhạc thất truyền sau khi Mông Cổ đánh bại nhà Tống. Những video Yayue các bạn tìm được trên mạng cũng chỉ là phỏng theo, nói “chuẩn” thì chắc chắn không phải.

Đôi khi cũng nên hiểu cho việc anh béo hàng xóm thiếu thốn tới mức mượn dùng luôn sản phẩm văn hoá đã trải qua phát triển ngoài phạm vi “thiên triều”. Hiểu cho việc đó thôi, tôi không bảo là phải thông cảm. Nếu bên ấy tính lần theo dấu nhã nhạc Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên thì lại là cái dở, bởi lẽ nhã nhạc của 3 nước ấy đều bị bản địa hoá và tự phát triển qua mấy trăm năm lịch sử rồi.

Nhã nhạc Việt Nam cũng bị mai một ít nhiều, nhưng dù sao cũng vẫn giữ được một phần đến bây giờ. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2003. Nói vậy đã đủ hiểu chưa, hỡi các cô “Mị Châu” lỡ đọc phải bài này?

Đoạn trên là nói với người còn tỉnh táo biết phải trái thôi, chứ với thể loại cứng đầu tự nhận văn hoá của mình là đỉnh cao của nhân loại, thì bọn họ sẽ lôi đủ lý do ra lấp liếm. Vâng, đang nói một số anh chị bên Trung Quốc đấy. Ở page này tôi cũng nói không biết bao nhiêu lần rồi, dân “thiên triều” thường tự coi mình là thượng đẳng, cứ có gì hay ho của các nước đồng văn thì nhận là có nguồn gốc từ mình, cái dở tự động bỏ qua.

Xưa giờ tôi đọc không biết bao nhiêu bình luận bên Trung Quốc về thái độ của người Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc (ở đây nói nước Hàn Quốc đi, vì Korea bây giờ 2 miền, mấy anh nước Triều Tiên có thể hiện gì đâu mà để Trung Quốc bình phẩm), dân mạng Trung Quốc không ưa gì Việt Nam và Hàn Quốc vì “tội” là “nhận văn hoá là của mình”, trong khi Nhật Bản thì dễ chịu hơn, họ thẳng thắn thừa nhận có những ảnh hưởng từ thời Thịnh Đường. Buồn nỗi là người tỉnh táo có hiểu được vấn đề thì thường họ lại lười tham gia bàn luận.

Nhưng nói một cách khách quan này: Nói người thì cũng phải nhìn lại ta. Thời xưa chịu ảnh hưởng là khó tránh, ta phải thừa nhận điều ấy. Phương Bắc xâm lược chuyên có trò đốt sách, bắt người tài, ra sức đồng hoá dân ta. Ngày nay học hỏi cũng có mức độ thôi, đừng có bê về y nguyên. Lỡ học cái gì về thì thẳng thắn mà nhận, không thì tốt nhất có gì dùng nấy. Nói ra thì có kẻ lại chửi tôi là bênh người ngoài, nhưng mà đạo nhái khác học hỏi. Đã là đạo nhái thì đều đáng chửi cả. “Bạn cũng vậy” là một kiểu nguỵ biện, nhưng không có nghĩa cách nói ấy không có giá trị.

************

Sau đây là phần lược dịch bình luận của một số người Trung Quốc về việc này, có trộn mấy bài với nhau, thuận tai có mà chối tai cũng có nốt.

1. Bộ phim chiếu mạng nhảm shit, còn là cái nồi lẩu thập cẩm to đùng. Đoạn sau có màn quỳ lạy kiểu Thái Lan nữa cơ.
> Trang phục + đạo cụ + trang điểm trông chẳng giống Trung Quốc, như kiểu phim trộn giữa Đông Nam Á và Ấn Độ.

2. Cái loại được gọi nhã nhạc của Việt Nam là nhạc ti trúc. Ti trúc xưa giờ vẫn là nhạc dân gian, là tiểu khúc, ở Trung Quốc không được coi là nhã nhạc. Trong kho tàng âm nhạc dân gian của Trung Quốc, ti trúc Việt Nam kế thừa ti trúc Quảng Đông, phong cách biên khúc nhã nhạc ti trúc Việt Nam đều cố bắt chước theo ti trúc dân gian Trung Quốc.

3. Bộ phim đa số người Trung Quốc đều chưa từng nghe nói đến, rốt cuộc người Việt Nam thích văn hoá Trung Quốc tới mức nào mới đi kiếm phim Trung Quốc khắp mọi nơi thế?

4. Moi đâu ra cái phim chiếu mạng chìm nghỉm này thế? Ẹc, phim dở tệ đến tên còn chưa nghe thấy bao giờ (không nhắm đến diễn viên, fans đừng giận).

5. Khỉ bình luận bên Facebook lên đỉnh hết lượt rồi, cứ như thể cuối cùng cũng bắt được thóp người Trung Quốc “ăn cắp văn hoá của bọn họ”, nói văn hoá của người Trung Quốc là “trộm về”.

6. Nam chính phim này là một hoàng tử Đông Nam Á, cho nên trong phim sử dụng rất nhiều yếu tố văn hoá của Đông Nam Á, các người nói phim này ăn cắp văn hoá Việt Nam là quá đáng rồi đấy. Đoàn làm phim có nói nhạc này là âm nhạc Trung Quốc đâu, mấy người chỉ trích đoàn làm phim Trung Quốc không cẩn thận, trộn lẫn văn hoá Việt Nam và văn hoá Đông Nam Á thì nghe còn được.
> Cái bài Lưu Thuỷ Kim Tiền kia cũng bắt chước tiểu khúc dân gian Trung Quốc mà.

7. Khỉ lại thẩm du rồi, Việt Nam có gì không ăn cắp từ bên Trung Quốc đâu? Đây là bản nhạc của Trung Quốc mà.

8. Nhã nhạc ở Trung Quốc có 3000 năm lịch sử, hẳn là được truyền bá tới Việt Nam vào thời Hán Đường? Vừa tra xong, thì ra Trung Quốc thời Hán Đường đã thịnh hành nhã nhạc, Việt Nam thì tới triều đại cuối cùng mới thịnh hành, nội dung cũng không chỉ hấp thu văn hoá Trung Quốc mà có cả văn hoá Chăm Pa, cũng suýt nữa thì hoàn toàn bị thất truyền vì chiến tranh. Nhã nhạc cung đình Việt Nam chỉ có thể nói là một nhánh của văn hoá Trung Quốc thôi.

9. Giống hệt Hàn Quốc, đều xoá bỏ chữ Hán làm đứt gãy văn hoá, gây nên sự vô tri và tự ti.

10. Nhã nhạc được dùng đúng trong phim truyền hình Trung Quốc hình như ngoài “Hạc” (鹤) ra thì không còn gì nữa. Rối thành một nồi cháo.

************
Ti trúc. Để link cho các bạn nghe thử thôi, chứ đã chỉ ra được bên Trung Quốc dùng bản Lưu Thuỷ Kim Tiền của mình rồi cơ mà.
https://www.youtube.com/watch?v=5QK7CeF9VOk
https://www.youtube.com/watch?v=SWdpAdGokY4
#Apry618


Tags:

About author
Một cái ổ nho nhỏ với vài thứ linh tinh :">
Fan cuồng Trần Gia Hoa
View all posts